Giá thép xây dựng ngày 18/1 vẫn duy trì ở mức cao sau khi các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt điều chỉnh giá thép vào hôm qua, theo số liệu của Steel Online.
Song, so với ngày 31/12/2021, giá thép cuộn CB240 tăng 100 – 610 đồng/kg, dao động 16.540 - 17.050 đồng/kg; giá thép thanh D10 CB300 tăng 100 – 410 đồng/kg, khoảng 16.410 - 17.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, thương hiệu thép Tung Ho có mức tăng cao nhất, dòng thép cuộn CB240 tăng 610 đồng/kg, lên mức 16.750 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, hiện có giá 16.700 đồng/kg.
(Nguồn: Steelonline)
Mức tăng thấp nhất thuộc về thương hiệu thép Kyoei, cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đều tăng 100 đồng/kg, lên mức 16.700 đồng/kg. Còn lại các thương hiệu khác cũng có mức tăng đáng kể.
(Nguồn: Steelonline)
Cụ thể, thương hiệu Hòa Phát tại miền Bắc và miền Nam, giá thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.720 đồng/kg, tăng 310 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.610 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với ngày 31/12/2021.
Còn tại miền Trung, giá thép của Hòa Phát tăng mạnh hơn. Hiện, sản phẩm thép cuộn CB240 ở mức 16.770 đồng/kg, tăng 310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.720 đồng/kg, tăng 360 đồng/kg.
(Nguồn: Steelonline)
Tương tự, thép Việt Mỹ tại miền Bắc điều chỉnh tăng 200 đồng/kg sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức 16.610 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 250 đồng/kg, lên mức 16.510 đồng/kg.
Tại miền Trung, với sản phẩm thép cuộn CB240 tăng 350 đồng/kg, lên mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 300 đồng, có giá 16.410 đồng/kg.
Còn tại miền Nam, với dòng thép cuộn CB240 tăng thêm 450 đồng/kg, ở mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 250 đồng/kg, lên mức giá 16.460 đồng/kg.
(Nguồn: Steelonline)
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tiêu thụ thép xây dựng nội địa có thể tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhờ lực đẩy của gói đầu tư công và nền kinh tế được tái mở cửa.
Cụ thể, đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất khi tổng chi cho các dự án giao thông đạt hơn 570 nghìn tỷ đồng (24,8 tỷ USD), tương đương 42,3% ngân sách trung ương. Do đó, các nhà sản xuất thép xây dựng có thể được hưởng lợi từ xu hướng này.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng dân dụng có khả năng phục hồi vào năm 2022, thúc đẩy nhu cầu thép.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, VDSC cho rằng các hoạt động xây dựng sẽ thuận lợi hơn, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước năm 2022 dự kiến tăng 8,5% so với năm 2021.
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết