Giá thép thanh giao tháng 5/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kì hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 0,29% xuống 3.427 nhân dân tệ/tấn (tương đương 437,63 USD/tấn) vào lúc 7h (giờ Việt Nam).
Giá thép xây dựng hôm nay
Hôm thứ Hai (17/12), giá hợp đồng thanh cốt thép tương lai tăng 0,2% lên 3.435 nhân dân tệ/tấn (438,65 USD/tấn). Trong phiên giao dịch, có lúc giá thép tăng 1,3% lên mức cao nhất kể từ ngày 6/12.
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt tương lai có lúc tăng 2,3% lên mức 492 nhân dân tệ/tấn (tương đương 71,30 USD/tấn), mức cao chưa từng thấy kể từ ngày 22/11, trước khi khép phiên tại mức 488,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 62,38 USD/tấn), tăng 1,6%.
Trong số các nguyên vật liệu thô sản xuất thép khác, giá than luyện cốc tương lai giảm 0,6% xuống 1.242 nhân dân tệ/tấn (tương đương 158,6 USD/tấn), còn hợp đồng than cốc tương lai tăng 0,4% lên 2,028 nhân dân tệ/tấn (tương đương 258,98 USD/tấn).
Các hợp đồng quặng sắt tương lai tại Trung Quốc chạm đỉnh gần 4 tuần vào ngày thứ Hai (17/12), nhờ nguồn cung thắt chặt giữa lúc dự trữ quặng sắt ở các cảng và kì vọng về nhu cầu tái dự trữ tại các nhà máy sản xuất thép yếu trước mùa nghỉ lễ.
Dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn Trung Quốc tăng thêm 900.000 tấn trong tuần trước lên 137,1 triệu tấn tính tới ngày 17/12, dữ liệu SteelHome cho thấy, nhưng vẫn thấp hơn 4,5% so với cùng kì năm trước.
Dịp Tết Nguyên đán kéo dài cả tuần ở Trung Quốc sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2019.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại 64 nhà máy sản xuất thép trên khắp nước Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2017, dựa trên cuộc thăm dò của Mysteel trong tuần trước.
Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cảnh báo các biện pháp môi trường ngày càng mạnh có thể kìm hãm nhu cầu quặng sắt trong ngắn hạn.
Hai thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc là Đường Sơn và Từ Châu đã yêu cầu các nhà máy tăng cường giảm sản lượng trong lượng thời gian còn lại của tháng 12, khi các quan chức thành phố lo ngại họ không đáp ứng mục tiêu giảm ô nhiễm trong năm nay.
Các nhà máy sản xuất thép ở Đường Sơn được yêu cầu nâng mức cắt giảm sản lượng từ 30% lên 40%, trong khi Từ Châu dự định yêu cầu đóng cửa tất cả nhà máy sản xuất thép.
Tỉ lệ sử dụng tại các nhà máy sản xuất thép trên khắp Trung Quốc tiếp tục giảm trong tuần trước, giảm 0,13 điểm phần trăm so với tuần trước xuống 65,75%, trong khi đó tỉ lệ này ở Đường Sơn xuống mức đáy 4 tháng tại 58,1%, dữ liệu từ Mysteel cho thấy.
Những dữ liệu đáng lo ngại
Mặc dù hồi phục trong tuần trước, giá thép và biên lợi nhuận đã thu hẹp kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 8, trong khi dữ liệu kinh tế bắt đầu truyền tải các tín hiệu đáng lo ngại về nhu cầu đối với các ngành nhạy cảm với thép, như xây dựng và sản xuất xe hơi.
Tuần trước, hàng loạt dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc đã vẽ ra một nền kinh tế đang chật vật duy trì đà tăng trưởng khi phải đối mặt với xung đột thương mại với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Doanh số bán xe hơi Trung Giảm giảm mạnh 10% trong tháng 11 so với cùng kì năm trước, mức lao dốc mạnh nhất trong gần 7 năm.
Sản lượng công nghiệp tháng 11 tăng trưởng 5,4% so với cùng kì năm trước, không đạt kì vọng của các chuyên viên phân tích và bằng với mức tăng của giai đoạn tháng 1 - 2/2016. Sản lượng tại các nhà máy được dự báo tăng trưởng 5,9%, không đổi so với mức tăng của tháng 10.
Doanh số bán lẻ tăng trưởng 8,1% trong tháng 11 so với cùng kì năm trước, thấp hơn dự báo tăng 8,8% và thấp nhất kể từ tháng 5/2003.
Những dữ liệu đáng lo ngại trên khó góp phần hỗ trợ nhu cầu thép trong năm 2019, điều này có nghĩa là bất kì tâm lí lạc quan nào từ lĩnh vực này cũng đều là dựa trên hi vọng Bắc Kinh sẽ thực hiện các động thái kích thích nền kinh tế.
vietnambiz.vn