Giá thép thanh giao tháng 1/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kì hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 16 nhân dân tệ, tương ứng 0,45%, lên 3.607 nhân dân tệ/tấn (tương đương 517,97 USD/tấn) vào lúc 7h (giờ Việt Nam).
Giá thép xây dựng hôm nay
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/11), giá thanh cốt thép giảm 0,8% xuống 3.587 nhân dân tệ/tấn (tương đương 516,64 USD/tấn). Tuần qua, giá thép đã giảm 2,8% và lao dốc 13% trong tháng 11.
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá than luyện cốc tương lai giảm 0,3% xuống 1.329,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 190,92 USD/tấn). Hợp đồng than cốc giao tháng 1/2019 tiến 0,7% lên 2.135 nhân dân tệ/tấn (tương đương 306,59 USD/tấn).
Giá quặng sắt tương lai tăng 1,7% lên 482 nhân dân tệ/tấn (tương đương 69,22 USD/tấn). Tuần qua, giá nguyên liệu này giẩm 5,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3. Trong tháng 11, giá quặng sắt “bốc hơi” hơn 10%.
Thị trường thép Trung Quốc suy giảm trong ngày thứ Sáu (30/11), giảm tuần thứ 5 liên tiếp trước áp lực từ nguồn cung khổng lồ và nhu cầu ảm đạm.
Giá quặng sắt tăng liền 3 phiên nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 8 tháng.
“Không hề có yêu cầu cắt giảm sản lượng gửi tới các nhà máy sản xuất thép, vì chính sách linh hoạt nên một số nhà máy tiếp tục sản xuất”, chuyên viên phân tích Helen Lau của Argonaut Securities cho hay.
“Nhìn chung, biên lợi nhuận sản xuất thép đã giảm so với mức đỉnh, nhưng lợi nhuận vẫn đủ cao để thôi thúc các nhà máy tiếp tục sản xuất".
Trung Quốc cho phép các khu vực tự xác định giới hạn sản lượng thay vì áp một biện pháp cho tất cả như mùa đông năm ngoái, qua đó giữ sản lượng thép ở mức cao trong khi lượng tiêu thụ lại suy giảm khi nền kinh tế giảm tốc.
Lần đầu tiên trong 3 năm qua, các nhà máy sản xuất thép ghi nhận thua lỗ về một số sản phẩm thép khi giá rơi vào thị trường “con gấu” vì nhu cầu yếu và nguồn cung gần đạt kỉ lục, chấm dứt nhiều năm biên lợi nhuận cao.