Giá thép quay đầu giảm sau nhiều tháng tăng nóng
Thời gian qua, các công ty thép lớn trong nước đồng loạt thông báo giảm giá thép xuống mức 16,1 triệu đồng/tấn - 16,7 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 16,8 triệu đồng/tấn -17,3 triệu đồng/tấn đối với thép thanh D10, theo VnEconomy.
Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6 đã giảm khoảng 750.000 đồng/tấn – 1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo thương hiệu và sản phẩm).
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy kể từ giữa năm 2020, giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất thép cũng như giá thép thành phẩm thế giới diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng cho đến thời điểm giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, hiện tại giá thép các loại đã điều chỉnh giảm.
Giá thép xây dựng trong nước ở mức bình quân khoảng 16.200-16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, giảm khoảng 4% so với tháng trước.
Mặc dù mức giá này vẫn tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là tháng đầu tiên giá thép trong nước sụt giảm sau 4 tháng liên tục tăng kể từ tháng 2/2021 đến nay.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá thép thanh vằn vào phiên cuối tháng 6 vừa qua trên Sàn giao dịch Thượng ở mức 5.122 nhân dân tệ/tấn, tương đương hơn 18,2 triệu đồng/tấn, cao hơn thị trường Việt Nam khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/tấn, tương đương 10,3-12,3%.
Giá thép thanh vằn, thường dùng trong xây dựng, tại sàn giao dịch Thượng Hải. (Nguồn: SHFE)
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Xuân Đa, Chủ tịch VSA, cho biết: "Giá thép vẫn đang giằng co ở mức khá cao mặc dù đã có xu hướng giảm từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi bước vào mùa mưa, các công trình giảm thi công khiến giá giảm theo cung cầu.
Đây là hiện tượng điều chỉnh tự nhiên của quy luật thị tường và trên thực tế giá thép thế giới đã quay đầu suy giảm liên tục kể từ cuối tháng 5/2021 cho đến nay. Đặc biệt với tình hình dịch bệnh hiện nay, hoạt động sản xuất, vận chuyển bị đóng băng sẽ khiến giá thép tiếp tục giảm".
Phân tích cụ thể VSA cho biết các yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước là do trong tháng 6/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới.
Mặt hàng
|
Giá
|
Tăng/giảm so với đầu tháng 6
|
Phôi nhập khẩu
|
673- 677 USD/tấn
|
|
Phế nhập khẩu
|
513 USD/tấn
|
- 5 USD/tấn |
Theo đó, giá phôi nội địa giảm nhẹ và giữ giá ở mức 14.300 đồng/kg đến 14.500 đồng/kg cuối tháng 6/2021.
Giá phôi thép trong nước giai đoạn 20216-2021. (Nguồn: VSA).
Cũng theo VSA làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 của Việt Nam từ cuối tháng 4/2021 đã có những tác động đến tình hình kinh tế chung của Việt Nam, trong đó có ngành thép.
Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ có xu hướng sụt giảm sau thời gian liên tiếp tăng giá. Cụ thể, sản lượng bán hàng tháng 6/2021 chỉ đạt 655.046 tấn, mức bán hàng thấp nhất của tháng 6 trong 5 năm trở lại đây kể từ năm 2016, giảm mạnh 31,4% so với tháng trước và giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020.
"Giá thép thành phẩm đang giảm từng ngày, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Tương lai giá thép trong nước sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá thị trường thế giới.
Tuy nhiên bán hàng thép xây dựng tháng 7 sẽ có nhiều khó khăn khi bước vào mùa mưa, sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều công trình tạm thời hoãn lại", ông Đa dự báo.
Tại Trung Quốc, thị trường thép lớn nhất thế giới, nhu cầu tiêu thụ cũng dự báo yếu đi theo mùa vụ và tác động tới thị trường thép theo một hướng khác. Đó là ngăn giá thép tăng, mặc dù sản lượng giảm, theo Spglobal.
Các đơn đặt hàng thép ở Trung Quốc đang có xu hướng giảm. Tháng 7 thường là một trong những tháng thấp điểm nhất về nhu cầu thép ở Trung Quốc do thời tiết mưa và nóng theo mùa hạn chế các hoạt động ở hạ nguồn, chẳng hạn như xây dựng.
Kết hợp với việc các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn trước, tâm lý nhà đầu tư kém đi và virus biến thể Delta càng ảnh hưởng tới nhu cầu thép.
Giá nguyên liệu sản xuất thép trong nước tuân theo quy luật cung cầu, điều chỉnh tương ứng với biến động của giá thế giới và khu vực ASEAN. (Ảnh: TTXVN)
Cách nào ổn định thị trường thép những tháng cuối năm?
Đánh giá về “cơn sốt” giá thép thời gian qua, theo Hiệp hội thép Việt Nam nguyên nhân khiên giá thép liên tục tăng cao chủ yếu do nguồn nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm thép như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ...tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tăng.
Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn kéo dài dẫn đến chi phí vặn tải, thiếu container tàu biển, logistic sẽ còn phát sinh lớn làm ảnh hưởng tăng giá thành sản xuất thép.
Do đó, mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép từ 0% lên 5% và giảm 5-10% mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép.
Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế xuất khẩu sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá và hạn chế việc xuất khẩu phôi thép. Còn việc giảm thuế nhập khẩu MFN một số loại sắt thép sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, VSA lại nhận thấy đề xuất điều chỉnh thuế này chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay.
Theo VSA nguyên nhân tăng giá do thị trường nguyên liệu thế giới biến động nhưng không phải do tác động của chính sách thuế xuất nhập khẩu cũng như các chính sách phòng vệ thương mại được áp dụng đối với các sản phẩm thép.
"Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới ngay cả tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản...để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước, là các mặt hàng đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần, sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa đến hoạt động sả xuất của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn", VSA chia sẻ.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19 khiến hoạt động xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh nên việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết, giúp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Ngoài ra, đại diện ngành hàng cho rằng chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất nhập khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép phát triển chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng tăng giảm của thị trường nhất thời.
Do đó, VSA kiến nghị không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm.
Đồng thời, để ổn định thị trường thép trong những tháng cuối năm, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý, thực hiện kê khai, niêm yết giá phù hợp với quy định của pháp luật.
"Đồng thời, cần tăng cường ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước", ông Đa lưu ý.
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết