Ảnh: Jieh
SSI nhận định nếu đề xuất điều chỉnh biểu thuế xuất/nhập khẩu thép được thông qua, kết quả kinh doanh của các công ty thép không bị ảnh hưởng nhiều. Doanh thu của các doanh nghiệp thép sẽ vẫn tăng trưởng tích cực nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công và xuất khẩu.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu phôi thép lên 5% để ổn định nguồn cung cho thị trường trong nước. Đồng thời, giảm 5 - 10% thuế nhập khẩu một số sản phẩm nhằm hạ giá mặt bằng thép xây dựng.
Trong báo cáo ngành thép, CTCP chứng khoán SSI nhận định nếu đề xuất điều chỉnh biểu thuế xuất/nhập khẩu thép được thông qua, kết quả kinh doanh của các công ty thép không bị ảnh hưởng nhiều.
Về nhập khẩu, SSI ước tính sản lượng nhập khẩu trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm chỉ chiếm dưới 1,5% nhu cầu trong nước. Do đó, việc điều chỉnh mức thuế 5% sẽ không tác động nhiều đến giá nhập khẩu thép.
Đáng chú ý, nếu loại trừ tất cả các loại thuế nhập khẩu, giá thép xây dựng trong nước vẫn thấp hơn giá nội địa của Trung Quốc khoảng 10%. Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của các công ty sản xuất thép của Việt Nam.
Mặt khác, thuế xuất khẩu tăng 5% có thể khiến giá bán phôi thép giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ trọng sản lượng phôi thép bán ra ngoài trong tổng sản lượng sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát giảm từ 30% trong năm 2020 xuống 16% trong 6 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục giảm khoảng 10% trong nửa cuối năm.
Do đó, tác động của việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép đến tỷ suất lợi nhuận tổng thể của công ty thép sẽ không đáng kể.
Dịch COVID-19 tạo cơ hội cho công ty sản xuất thép hàng đầu củng cố tài chính và thị phần. Điều này sẽ tăng khả năng cạnh tranh và vị thế thị trường trong tương lai.
Trường hợp đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu thép trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đầu tư công có thể bù đắp một phần sự chững lại của kênh xây dựng dân dụng.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong nửa đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép dẹt thành phẩm tăng lần lượt 9% và 31% so với cùng kỳ. Doanh thu nội địa trong giai đoạn này tăng trưởng khiêm tốn lần lượt đạt mức 6% và 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng tăng 27%, thép dẹt thành phẩm tăng 112% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu trên thế giới hồi phục.
Trong nửa cuối năm, SSI dự báo doanh thu của các công ty thép sẽ tăng trưởng tích cực nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công và xuất khẩu.
Tuy nhiên, về dài hạn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm nhẹ do mức cơ sở so sánh cao trong năm 2021 và sự phục hồi của nguồn cung trên toàn thế giới.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất của 64 thành viên đạt 837,5 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó sản lượng thép của Trung Quốc tăng 14%, Ấn Độ tăng 33%, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia sản xuất chủ chốt ở châu Âu cũng tăng 9 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá của các sản phẩm chính như thép xây dựng và HRC tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, lần lượt tăng 40% và 75% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, cả hai mức giá đều đã điều chỉnh 8 - 12% trong 2 tháng gần đây sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 5.
SSI cho rằng dù chưa có cơ sở nhận định sẽ giảm mạnh trong thời gian tới nhưng nhiều khả năng giá thép sẽ dần trở về mức bình thường do các yếu tố như giá thép thế giới trở về mặt bằng cũ do nguồn cung phục hồi và chính sách kiểm soát giá thép của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước giảm do tác động của dịch COVID-19 đối với các hoạt động xây dựng.
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết