Tín hiệu tích cực từ đầu năm
Trong tháng 3, sản lượng thép thô ước đạt gần 1,7 triệu tấn, tăng mạnh hơn 56% so với cùng kì. Trong đó, thép cán ước đạt khoảng 506.700 tấn, tăng 13,5% so với cùng kì; thép thanh, thép góc ước đạt 522.900 tấn, tăng 0,6% so với cùng kì.
Tính chung quí I, sản lượng thép thô, thép cán tăng lần lượt là 64,8% và 6,1% so với cùng kì năm ngoái. Riêng thép thanh, thép góc giảm 0,5%.
Bộ Công Thương nhận định ngành thép năm 2019 dự kiến có sự tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành 2 lò cao hết công suất 7,5 triệu tấn/năm. Được biết, năm 2018, công suất của nhà máy chỉ đạt 4,5 triệu tấn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép.
Do đó, Bộ Công Thương dự báo mức tăng trưởng sản lượng thép các loại năm 2019 khoảng 10% so với năm 2018.
Thép Việt hứng chịu 47 cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp
Thời gian qua, mặt hàng thép liên tục trở thành đối tượng của các cuộc điều tra chống bán phá giá, trao đổi với người viết tại cuộc Họp báo thường kì quý I của Bộ Công Thương, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại, cho hay xu hướng điều tra chống bán phá giá thép nổi lên mạnh mẽ kể từ khi Mỹ áp thuế 25% đối với loại hàng hóa này theo đạo luật 232. Các nước khác cũng tăng cường chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép.
Bà Giang cho hay có 4 nguyên nhân lí giải tại sao thép trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra chống bán phá giá. Đầu tiên, thép là mặt hàng sản xuất cơ bản của nhiều nước, và là vấn đề an ninh quốc gia. Thứ hai là tình trạng dư cung thép toàn cầu. Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD), năm 2017, thế giới dư thừa gần 900 triệu tấn thép, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Thứ ba là kinh tế thế giới đang chững lại, nhiều doanh nghiệp phải chịu thiệt hại. Cuối cùng, xu hướng bảo hộ mậu dịch hiện nay tăng trở lại.
Đối với Việt Nam, đến nay, Việt Nam đã phải hứng chịu 47 cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép các loại, chiếm tới 1/3 tổng các cuộc điều tra chống phá giá các mặt hàng của Việt Nam.
Gần đây nhất ngày 2/4, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng điều tra áp dụng biên pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cuộn phẳng mạ nhôm kẽm có nguồn gốc hoặc xuất khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trước đó không lâu, ngày 29/3, Bộ Thương Mại quốc Tế và Công nghiệp (MITI) Malaysia thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội không hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bà Giang thông tin không phải các nước cứ điều tra chống bán phá giá thép nhập khẩu từ Việt Nam là áp thuế, nhất là sau khi Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam chứng minh không bán phá giá và không được Chính phủ trợ cấp.
Điển hình như Indonesia đã dừng áp thuế tự vệ với tôn lạnh của Việt Nam từ 27/3. Quyết định này được đưa ra sau khi Việt Nam kiện quyết định áp thuế của Indonessia đã vi phạm quy định của WTO.
Bên cạnh đó, bà Giang cho hay mặc liên tục bị khởi kiện nhưng các doanh nghiệp thép Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu ấn tượng trong khu vực.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có động thái bảo vệ ngành thép trong nước bằng trước sức ép thép Trung Quốc bị các nước ngăn chặn và tràn vào Việt Nam.
Tòa án Mỹ bác bỏ yêu cầu chấm dứt thuế 232 của các nhà xuất khẩu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mới đây, Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT) đã đưa ra phản bác, đi ngược lại với Viện Thép Quốc tế Mỹ (AIIS) trong vụ việc áp thuế Mục 232 đối với nhập khẩu thép và nhôm từ các nước.
Quyết định ban bố vào ngày 1/4, CIT cho rằng biện pháp này không vi phạm hiến pháp Mỹ theo luật hiện hành.
Dựa vào tiền lệ trong vụ việc áp thuế 232 sản phẩm dầu vào năm 1970, CIT phán quyết "quyết định của tổng thống về việc có áp thuế 232 hay không là quyết định theo ý của Tổng thống, không quy định theo bất kỳ tiêu chuẩn nào".
Theo đó, quyết định áp thuế dưới hình thức tự vệ thương mại là một vấn đề "theo sự đánh giá của riêng tổng thống".
AIIS cho rằng quyết định của tổng thống Donald Trump vào tháng 3/2018 về việc áp thuế 25% đối với nhập khẩu thép từ một số quốc gia và miễn trừ một số quốc gia đã gây nên "một vấn đề gây tranh cãi về hiến pháp của cả Đạo luật Quốc hội (Mục 232) "