Liên quan đến quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm thép của Việt Nam mới đây, thông tin chính thức thể hiện quan điểm của mình, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, Hiệp hội đã có kế hoạch hành động cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) và các doanh nghiệp để theo dõi diễn biến tiếp theo của vụ việc.
Hiệp hội Thép cũng khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam giữ vững đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, tích cực phối hợp khi DOC thẩm tra tại chỗ.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được nguồn nguyên liệu để sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn mạ không phải dùng từ thép cán nóng của Trung Quốc thì sẽ không phải chịu thuế.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay, sản xuất thép cán nguội và thép tôn mạ của Việt Nam là những công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất khép kín của một nhà máy sản xuất thép dẹt hiện đại.
Các công ty thép của Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng dây chuyền sản xuất thép cán nguội và mạ kẽm với các thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất từ các nhà cung cấp thiết bị tiên tiến hàng đầu thế giới.
Các doanh nghiệp trong nước thường sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu thép cán nóng (HRC) hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước (sau khi qua hàng loạt công đoạn) để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng là tôn mạ kẽm hoặc mạ lạnh (sau khi thêm công đoạn phủ màu, hoặc gia công xẻ băng).
Trong đó, công đoạn cán nguội là một bước quan trọng trong dây chuyền cán thép dẹt, tạo ra giá trị gia tăng từ 30-40% trong giá thành sản phẩm.
VSA cho rằng, điều này cho thấy cán nguội hoàn toàn không phải là khâu “gia công hay lắp ráp” mà là “một sự chuyển đổi căn bản” để tạo ra sản phẩm mới với những tính chất hoàn toàn ưu việt hơn thép cuộn cán nóng (độ dày, dung sai kích thước, chất lượng bề mặt, cấu trúc tế vi, cơ tính...) “Sự chuyển đổi triệt để” này cũng được thể hiện trong việc chuyển dịch HS code hàng hóa.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép, hiện sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam sang thị trường Mỹ khoảng 200.000 tấn/năm. Trong đó chủ yếu từ Tổng công ty Thép Việt Nam, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á đều là những doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%.
Mặt khác, từ trước đến nay, theo Hiệp hội Thép, phía Mỹ cũng không đưa ra quy định cụ thể về hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Nên cáo buộc điều tra nói trên sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi bị đánh thuế chung.
Về lâu dài để phát triển bền vững, Hiệp hội cho rằng, ngành thép Việt Nam cần đầu tư theo quy mô lớn, công nghệ khép kín, sản xuất ra nguyên liệu của tấm lá cán nguội, tôn mạ... nhằm giải quyết vấn đề nguồn gốc xuất xứ và tăng giá trị gia tăng đáng kể của những sản phẩm này, phục vụ cho xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện nay, Khu liên hợp Thép Hoà Phát Dung Quất Quảng Ngãi và Thép Fomosa Hà Tĩnh… sẽ đáp ứng được các nhu cầu trên...
Trước đó, theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, DOC sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.
Trên cơ sở quyết định sơ bộ của DOC, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc.
Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/2/2018. Vì vậy, phía Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO./.