Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 10 đồng nhân dân tệ lên 3.613 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Tồn kho thép tại Trung Quốc đã tăng lên trong tuần thứ hai liên tiếp do hoạt động xây dựng trong nước suy giảm vào mùa mưa.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị gián đoạn, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép và các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác.
Nhu cầu thép tấm trên thế giới đã giảm khoảng 20% so với cùng kì năm ngoái. Điều kiện bất lợi từ thị trường hiện nay đã đặt ra những vấn đề cơ bản cho các nhà sản xuất thép trong việc quản lí tài sản và danh mục đầu tư của mình.
Biểu đồ quặng sắt tại sàn giao dịch Thượng Hải (Nguồn Shfe)
Một số công ty sản xuất đã điều chỉnh giá thép, cắt giảm công suất hoặc đóng cửa hoàn toàn các chi nhánh. Gần đây nhất, Tập đoàn thép đa quốc gia ArcelorMittal đã thông báo chấm dứt hoạt động sản xuất tại công trình Zenica ở Bosnia, CRU đưa tin.
Tính đến ngày 3/7 tại Trung Quốc, trữ lượng đồng tồn kho đã tăng 14,4% lên 114.318 tấn, mức tăng cao nhất kể từ ngày 15/5. Tương tự, dự trữ chì cũng tăng 17,3% lên mức 27.362 tấn, còn tồn kho nhôm đạt 224.026 tấn, tăng nhẹ 0,1%.
Theo thông tin từ Global Platts, dự kiến trong quí III năm nay, giá alumina (nhôm oxit) tại Trung Quốc sẽ tăng lên do nhu cầu cao tại các nhà máy luyện nhôm trong nước.
Giá alumina ước tính có thể chạm mốc 2.300 - 2.400 nhân dân tệ/tấn (326 - 340 USD/tấn) trong quí III/2020.
Công suất sản xuất nhôm tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên trong giai đoạn nửa cuối năm 2020. Điều này sẽ có tác dụng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ alumina ở trong nước.
Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ, giá than toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm nay.
Ông Hendra Sinadia, người đứng đầu Hiệp hội sản xuất than Indonesia cho biết, sản xuất than hiện vẫn được duy trì nhưng nhu cầu tiêu thụ than đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt là ở Indonesia và Australia.
Giá than tại Indonesia đang dao động ở mức 52 - 53 USD/tấn và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu than lớn nhất tại nước này. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc chỉ sẵn sàng mua than với giá giảm. Điều này sẽ khiến ngành than Indonesia lâm vào khó khăn nếu thời giảm giá than kéo dài.