Giá thép thanh giao tháng 1/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kì hạn Thượng Hải (SHFE) giảm11 nhân dân tệ, tương ứng 0,31%, xuống 3.578 nhân dân tệ/tấn (514,52 USD/tấn) vào lúc 7h (giờ Việt Nam).
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/11), giá thanh cốt thép giảm 0,1% xuống 3.584 nhân dân tệ/tấn (tương đương 515,38USD/tấn).
Trong phiên giao dịch ngày 26/11, giá thép có lúc giảm xuống 3.496 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/6. So với mức đỉnh 7 năm xác lập trong tháng 8, giá thép đã giảm 21%, chìm sâu vào thị trường giá xuống.
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá than luyện cốc tương lai giảm 0,2% xuống 1.308 nhân dân tệ/tấn (tương đương 188,09 USD/tấn). Hợp đồng than cốc giao tháng 1/2019 giảm 1%xuống 2.116nhân dân tệ/tấn (tương đương 304,28 USD/tấn).
Quặng sắt bị tác động nặng nề nhất trong số các nguyên liệu thô sản xuất thép. Giá quặng sắt tương lai lao dốc gần 12,3% xuống 63,90 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/7 và cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2014.
Các hợp đồng quặng sắt tương lai ở Trung kéo dài chuỗi giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp vì dự báo nhu cầu suy yếu sẽ gây áp lực lên giá thép.
Lĩnh vực thép của Trung Quốc bước vào thị trường giá xuống trong ngày thứ Hai (26/11), trong đó hợp đồng thanh cốt thép giảm hơn 20% so với mức đỉnh năm nay, châm ngòi cho làn sóng bán tháo quặng sắt và than luyện cốc.
Tivlon Technologies, công ty phân tích dữ liệu thép và quặng sắt ở Singapore, nhận thấy áp lực bán tháo xuất phát từ các thành phần trên thị trường thép giao ngay của Trung Quốc.
Trung Quốc cho phép các thành phố phía bắc và các tỉnh tự thiết lập mức giới hạn sản lượng nhằm hạn chế khói bụi trong mùa đông, thay vì áp dụng một mức giới hạn cho tất cả.
Các chuyên viên phân tích cho rằng điều này cho phép các nhà máy sản xuất thép sản xuất nhiều hơn ngay cả trong mùa đông – thời điểm phần lớn dự án xây dựng bị tạm dừng.
Minh Tuấn
Theo Kinh tế & Tiêu dùng