Giá thép xây dựng tăng
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,7% lên 3.538 CNY (504,62 USD)/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.572 CNY/tấn, trong đầu phiên giao dịch tăng 1,3%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,4% lên 14.440 CNY/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,1% xuống 639 CNY/tấn.
Ảnh minh họa: internet
Thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn – đưa ra cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2, sau khi tỉnh Sơn Tây và Sơn Đông cảnh báo vào cuối tuần trước. Cảnh báo này đã làm gián đoạn sản xuất tại các nhà máy thép, đẩy giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc tăng ngay cả khi nhu cầu trong mùa đông suy giảm, do hoạt động xây dựng chậm lại.
Giá thép cũng được hỗ trợ bởi động thái kích thích nhập khẩu của Bắc Kinh và thúc đẩy nền kinh tế chậm lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giá kẽm tại London và Thượng Hải ngày 24/12/2019 giảm, do dự trữ tại Trung Quốc tăng dấy lên mối lo ngại về nhu cầu.
Dự trữ kẽm tại Trung Quốc tăng hơn 5.000 tấn tính đến ngày 23/12/2019, làm giảm áp lực đối với nguồn cung từ dự trữ tại Sở giao dịch ở mức thấp, công ty môi giới Jinrui Futures Trung Quốc cho biết.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 2.285,5 USD/tấn, sau khi giảm 2,1% trong phiên trước đó. Giá kẽm kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 1,5% xuống 17.850 CNY (2.545,2 USD)/tấn.
Chi phí xử lý kẽm tại Trung Quốc đạt mức cao 310 USD/tấn trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 6/2008, trong bối cảnh nguồn cung quặng dồi dào, thúc đẩy các nhà máy luyện kim duy trì hoạt động sản xuất kim loại này.
Xuất khẩu thép của Việt Nam giảm hơn 20% trong tháng 11
Tại Việt Nam, sản xuất tháng 11 đạt trên 2,1 triệu tấn, tương đương tháng trước và cùng kì năm ngoái. Sản lượng bán hàng hơn 2 triệu tấn, cùng tăng trên 9% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu thép đạt 341.722 tấn, giảm 0,42% so với tháng 10 và giảm 20,4% so với cùng kì năm ngoái. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất các sản phẩm thép đi ngang so với cùng kì trong khi bán hàng tăng 11%.
Lũy kế 11 tháng, sản xuất thép đạt trên 23,1 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kì. Bán hàng vượt 21,1 triệu tấn, tăng trên 6%. Trong đó, xuất khẩu thép hơn 4,2 triệu tấn, giảm 2,6%.
9 tháng đầu năm, nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 12 triệu tấn. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 8,2 tỉ USD. Nhập khẩu thép thành phẩm các loại là 11,8 triệu tấn, trong đó nhập khẩu một số sản phẩm thép tăng cao so với cùng kì.
Cụ thể, thép hình đạt 304.358 tấn, tăng 50,2% về sản lượng, nhưng giảm 4% về giá trị. Các sản phẩm thép cán nguội đạt 662.509 tấn, tăng 18%.
Tính đến 31/10/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,3 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 2,8% so với cùng kì năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,5 tỉ USD, giảm 9%.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là khu vực ASEAN với 63%; Tiếp theo là Mỹ (6,5%); Châu Âu (5,6%); Hàn Quốc; Trung Quốc và Nhật Bản.