Giá thép thanh giao tháng 5/2019 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kì hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 34 nhân dân tệ, tương ứng 0,99%, lên 3.461 nhân dân tệ/tấn (tương đương 500,81 USD/tấn) vào lúc 7h33 (giờ Việt Nam).
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/12), giá hợp đồng thanh cốt thép tương lai tăng 1,7% lên 3.445 nhân dân tệ/tấn (tương đương 498,49 USD/tấn), ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp. Giá hợp đồng thép cuộn cán nóng tương lai tăng 1,1% lên 3.444 nhân dân tệ/tấn (tương đương 498,35 USD/tấn).
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá than luyện cốc tương lai bật tăng 2,2% lên 1.256 nhân dân tệ/tấn (181,74 USD/tấn), còn hợp đồng than cốc tương lai tăng 0,5% lên 2.016 nhân dân tệ/tấn (291,72 USD/tấn).
Giá hợp đồng quặng sắt tương lai tăng 1,3% và đóng cửa tại mức 482 nhân dân tệ/tấn (69,75 USD/tấn).
Giá thép tại Thượng Hải tăng phiên thứ ba liên tiếp trong ngày thứ Sáu (14/12) sau khi hai thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc là Đường Sơn và Từ Châu yêu cầu các nhà máy sản xuất thép giảm sản lượng, vì lo ngại sẽ không đáp ứng mục tiêu giảm ô nhiễm trong năm nay.
Chính quyền địa phương ở Đường Sơn – vốn chiếm tới 10% tổng sản lượng thép Trung Quốc – đã yêu cầu các nhà máy sản xuất tuân theo yêu cầu giảm sản xuất bắt buộc theo cảnh báo khói bụi cấp độ 1, dựa trên thông báo gửi tới các quan chức trong ngày thứ Ba (11/12).
Chỉ thị trên có nghĩa là sản lượng thép phải được giảm 40% từ mức cắt hiện tại là 30% theo cảnh báo cấp độ 2. Trong khi Từ Châu ở tỉnh Giang Tô đã yêu cầu các nhà máy đóng cửa hoạt động trong suốt tháng 12.
Diễn biến này đã hỗ trợ phần nào để nới dài đà tăng của giá thép, cùng với hi vọng chính phủ Trung Quốc sẽ sớm công bố một biện pháp gì đó để ổn định tăng trưởng kinh tế, Helen Lau, chuyên viên phân tích tại Argonaut Securities ở Hongkong, nhận định.
Tuy nhiên, bà Lau cho rằng mặc dù thông tin về các đợt giảm sản lượng sẽ hỗ trợ giá thép, nhưng nhu cầu tại Trung Quốc vẫn còn yếu vì mùa đông lạnh giá sẽ làm giảm nhịp độ của hoạt động xây dựng.
Cũng góp phần hỗ trợ giá thép, dữ liệu chính thức từ chính phủ cho thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm xuống đáy 7 tháng trong tháng 11 khi biên lợi nhuận ngày càng giảm buộc các nhà sản xuất cắt sản lượng và các ràng buộc về lượng khí thải tác động tiêu cực tới hoạt động của họ.
Đà giảm sản xuất của các sản phẩm thép chủ chốt, các ràng buộc khí thải chặt chẽ hơn tại các chính quyền địa phương và kì vọng về các điều kiện kinh tế ổn định trong năm 2019 đã giúp nâng đỡ tâm lí thị trường về dài hạn, các chuyên viên phân tích tại CITIC Futures cho biết trong một báo cáo.
Bắc Kinh hôm 13/12 cho biết quốc gia này sẽ giữ tăng trưởng kinh tế trong phạm vi hợp lí vào năm tới, cố gắng hỗ trợ việc làm, thương mại và đầu tư, đồng thời đẩy mạnh cải cách và giảm bớt rủi ro.
Trước đó, có thông tin cho biết Bắc Kinh đã điều chỉnh lại các ưu tiên của mình để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, xuất khẩu và chống ô nhiễm nguồn nước, đồng thời cũng cho thấy các nỗ lực giảm bớt công suất ở ngành than đá và thép.