Thị trường thép lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã chứng kiến giá đi lên mạnh mẽ trong nhiều tháng qua. Hiện nay, thị trường toàn cầu cũng đã bắt kịp với xu hướng của đất nước tỷ dân. Theo Bloomberg, nhu cầu thép lên cao đã vượt quá khả năng cung cấp của các nhà sản xuất.
Các lĩnh vực như công nghiệp và xây dựng đang đẩy mạnh hoạt động và nhiều chính phủ đang cam kết sẽ bơm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng hậu đại dịch.
Đơn hàng cho các nhà sản xuất thép ngày càng nhiều vì người mua muốn đảm bảo nguồn cung sau một năm cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, các gã khổng lồ trong khai thác quặng sắt toàn cầu đang chật vật vì những thách thức trong vận hành, khiến cho thị trường chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau cú sốc nguồn cung hơn hai năm trước càng trở nên khó khăn.
Quý I/2021, Tập đoàn Vale của Brazil bán ra ít quặng sắt hơn so với dự tính vì một mỏ của doanh nghiệp này có năng suất khai thác thấp và một cảng bốc hàng bị cháy. Quá trình khôi phục sản xuất sau sự cố vỡ đập đầu năm 2019 cũng vì thế mà khó khăn hơn kỳ vọng.
Hoạt động của tập đoàn Rio Tinto Group (Australia) cũng gặp trở ngại vì trời mưa nhiều hơn dự kiến ở khu mỏ Pilbara, miền tây Australia.
4 xu hướng trên thị trường thép
Dưới đây là 4 biểu đồ cho thấy những xung lực đằng sau đà tăng chóng mặt của thị trường thép, theo tổng hợp từ Bloomberg:
Quyền lực định giá thép
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Bắc Mỹ hiện cao gấp hơn ba lần cùng kỳ năm ngoái khi đất nước cờ hoa đang chìm trong đại dịch. Giá HRC ở châu Âu cũng đang lên cao.
Tại Trung Quốc, sau một năm nhu cầu tăng nóng, giá thép hiện đang ở mức cao nhất kể từ 2008.
Đây đều là những xu hướng tích cực cho các nhà sản xuất thép. Sau một năm 2020 ảm đạm, doanh nghiệp thép đang lạc quan hơn và hưởng biên lợi nhuận cao hơn. Ở Hàn Quốc, Posco – một trong những nhà sản xuất lớn nhất bên ngoài Trung Quốc – vừa công bố con số lợi nhuận quý I/2021 đạt đỉnh 10 năm, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái.
Posco kỳ vọng xu thế phục hồi sẽ tiếp tục trong nửa sau của năm nay nhờ vào các gói kích thích tài khóa và quá trình tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Nhu cầu toàn thế giới
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu thép toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% và vượt qua mức trước đại dịch. Tiêu thụ thép ở Trung Quốc – thị trường chiếm một nửa sản lượng toàn cầu – sẽ tiếp tục phá kỷ lục, còn các quốc gia khác cũng hồi phục mạnh mẽ.
Bloomberg dẫn lời ông Tomas Gutierrez, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa Kallanish Commodities nói: "Thời gian đặt hàng trước rất dài. Nhiều nhà máy thép nói với chúng tôi rằng họ đã nhận được đơn hàng cho đến hết quý III hay thậm chí quý IV năm nay".
Ông cho biết thêm: "Triển vọng nhu cầu năm nay khá lạc quan nhờ vào quá trình phục hồi sau đại dịch và nhiều gói kích thích tài khóa. Nhu cầu thép bên ngoài Trung Quốc trong tháng 4 này là mức cao nhất mà chúng tôi từng thấy trong nhiều năm trở lại đây".
Chi phí đầu vào đi lên
Trong bối cảnh các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc vẫn duy trì sản lượng hơn 1 tỷ tấn/năm, giá quặng sắt giao ngay đã đột ngột tăng mạnh thời gian gần đây và hiện chỉ còn thiếu chưa đầy 1 USD nữa là chạm đỉnh 194 USD/tấn.
Chính quyền Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu cắt giảm sản lượng thép trong năm 2021 nhưng với nhu cầu lên cao như hiện nay, kế hoạch này có thể khó trở thành hiện thực.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận xét: "Khả năng cao là các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ cưỡi con sóng thép này và đẩy mạnh sản lượng, ít nhất là trong năm nay.
Kiếm bộn tiền
Theo thống kê của Bloomberg Intelligence, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc hiện đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Nguyên nhân là giá thép tăng mạnh và nỗ lực hạn chế ô nhiễm thông qua cắt giảm sản lượng của quyền Bắc Kinh.
Biên lợi nhuận thép tại Trung Quốc "tiếp tục cho thấy giá quặng sắt hiện nay có thể được duy trì trong tương lai gần", nhà phân tích Vivek Dhar tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia đánh giá.
Doanh nghiệp thép Việt Nam lãi đậm
Trong quý I đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) báo cáo doanh thu thuần gần 31.200 tỷ đồng, lãi sau thuế trên 7.000 tỷ; tăng trưởng lần lượt 62% và 204% so với cùng kỳ 2020.
Sau khi loại bỏ phần thu nhập bất thường từ thoái vốn mảng nội thất, lợi nhuận hoạt động của Hòa Phát vẫn tăng trưởng tới 182%.
Hòa Phát cho biết lượng đơn đặt hàng HRC giao trong quý I/2021 đã vượt 300% năng lực sản xuất của tập đoàn.
Máy móc sản xuất HRC của Hòa Phát tại Khu liên hợp Dung Quất. (Ảnh: Đức Quyền).
Theo Chứng khoán HSC, chỉ riêng trong tháng 4 Hòa Phát đã 5 lần tăng giá thép xây dựng. Giá thép hiện nay cao hơn 11% so với đầu tháng 4 và 14,4% so với ngày đầu năm 2021. Giá đơn hàng HRC giao tháng 6 đã là 900 USD/tấn, tăng 50% so với đơn hàng giao tháng 1.
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 (tức là quý II trong niên độ tài chính 2020-2021 của Hoa Sen) với doanh thu đạt 10.846 tỷ và lãi sau thuế 1.035 tỷ, tăng trưởng lần lượt 88% và 415%.
Trong quý, ban lãnh đạo Hoa Sen được thưởng trên 36 tỷ đồng, gấp hơn hai lần mức thưởng của cả năm ngoái.
Với Thép Nam Kim (Mã: NKG), doanh thu quý vừa qua là 4.853 tỷ đồng, gấp đôi quý I năm ngoái, lãi sau thuế gần 319 tỷ, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp thép khác cũng công bố kết quả lợi nhuận quý I tăng bằng lần như CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC), CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH).