Cập nhật giá thép thế giới
Mở cửa phiên giao dịch 28/7, giá thép thanh kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải tăng 0,2% (7 nhân dân tệ) lên mức 3.256 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 tăng 0,6% (4,5 nhân dân tệ) lên mức 805,5 nhân dân tệ/tấn. Tương tự, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Singapore-SGX giảm 0,03 USD về mức 103 USD/tấn.
Diễn biến giá thép kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart
Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo sẽ bắt đầu giám sát hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu, bao gồm phế liệu sắt thép, nhôm và đồng, theo GMK Center đưa tin. Động thái này được đưa ra sau khi ngành công nghiệp thép cảnh báo về tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ khiến các lò cao và lò hồ quang điện phải ngừng hoạt động, theo hãng tin Reuters.
EC cho biết phế liệu đóng vai trò then chốt trong sản xuất thép và kim loại màu, đồng thời là thành phần chủ lực trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn lượng phế liệu thu gom tại châu Âu hiện đang được xuất khẩu sang các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực châu Á, khiến nguồn cung trong nội địa bị thắt chặt.
Tình hình càng trở nên phức tạp bởi các yếu tố chính trị quốc tế. Theo tuyên bố của EC, việc Mỹ áp thuế 50% đối với nhiều loại sản phẩm thép và nhôm (trừ phế liệu) đã khiến lượng phế liệu nhôm từ châu Âu xuất khẩu sang Mỹ gia tăng, tạo thêm áp lực cho thị trường nội khối EU.
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ thu thập và phân tích dữ liệu thương mại về phế liệu đến cuối tháng 9, sau đó mới đưa ra quyết định về các biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ thất bại, Brussels không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp đối phó nhanh chóng, đặc biệt là nhằm đáp trả chính sách thuế của Washington.
Theo GMK Center, xuất khẩu phế liệu từ EU sang các nước thứ ba trong năm 2024 đã giảm 10,8% so với năm 2023, chỉ còn 16,72 triệu tấn. Trước đó, năm 2023 ghi nhận mức tăng 7% (đạt 18,7 triệu tấn), còn năm 2022 lại giảm 10% xuống còn 17,6 triệu tấn, đánh dấu lần đầu tiên sụt giảm sau hơn 6 năm tăng trưởng liên tục.
Sản lượng thép tại EU trong năm 2024 đạt 129,5 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2023. Trong khi đó, sản lượng thép toàn cầu giảm nhẹ 0,9% còn 1,84 tỷ tấn.
Bất chấp những thách thức trên thị trường thép toàn cầu, Tập đoàn Hyundai Steel đã ghi nhận lợi nhuận trở lại trong quý II/2025. Doanh nghiệp đạt 101,8 tỷ won (tương đương 73,6 triệu USD) lợi nhuận hoạt động và 37,4 tỷ won lợi nhuận ròng trong quý.
Doanh thu hợp nhất trong quý đạt 5,94 nghìn tỷ won, tăng 6,9% so với quý trước. Kết quả này chủ yếu nhờ vào sự gia tăng doanh số sản phẩm, chi phí nguyên liệu đầu vào giảm và hiệu suất hoạt động cải thiện tại các công ty con, theo báo cáo Tập đoàn công bố tuần trước.
Hyundai Steel cho biết, mặc dù nhu cầu thép toàn cầu suy yếu trong nửa đầu năm, nhưng công ty kỳ vọng thị trường sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm. Niềm tin này được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng và các biện pháp kích thích kinh tế.
Công ty cũng dự đoán sản lượng thép giá rẻ nhập khẩu sẽ giảm, trong khi các chính sách phục hồi kinh tế do chính phủ dẫn dắt sẽ tiếp thêm động lực cho thị trường nội địa.
Cập nhật giá thép xây dựng trong nước
Trong nước, các doanh nghiệp bình ổn giá thép xây dựng. Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 13.230 đồng/kg; thép CB300 ở mức 12.830 đồng/kg. Ở doanh nghiệp thép Việt Ý, giá thép CB240 ở mức 13.130 đồng/kg; thép D10 CB300 ở mức 12.520 đồng/kg. Thép Việt Sing lần lượt ghi nhận 13.130đ và 12.930 đồng/kg.
Giá thép ghi nhận tới ngày 28/7/2025. Nguồn: SteelOnline
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết