Cập nhật giá thép thế giới
Kết thúc phiên giao dịch 23/6, giá thép thanh kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải giảm 0,53% (16 nhân dân tệ) về mức 3.018 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tăng 0,48% (3,5 nhân dân tệ) lên mức 727 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Singapore-SGX tăng 0,18 USD lên mức 94,05 USD/tấn.
Diễn biến giá thép thanh kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 5/2025, sản lượng quặng sắt tại nước này đạt 85,79 triệu tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 1,3% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng quặng sắt của Trung Quốc giảm 10,1% so với cùng kỳ 2024 xuống còn 414,32 triệu tấn.
Trong khi đó, giá nguyên liệu quặng nhập khẩu biến động đáng kể trong tháng 5, với mức cao nhất đạt 102 USD/tấn vào ngày 14/5, và thấp nhất là 96 USD/tấn vào các ngày 27 và 31/5.
Khối lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển vào Trung Quốc trong tháng 5 đạt 98,13 triệu tấn, giảm 4,9% so với tháng trước và 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho quặng tại các cảng Trung Quốc theo đó giảm 2,8% xuống còn 133 triệu tấn tính đến ngày 30/5, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024. Tổng lượng nhập khẩu quặng trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 486,41 triệu tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA) cho biết, sản lượng thép cả năm 2025 sẽ giảm khoảng 4% so với năm trước, phản ánh chính sách của Bắc Kinh nhằm kiềm chế sự phụ thuộc vào công nghiệp nặng và giải quyết tình trạng dư thừa công suất kéo dài.
Trong một diễn biến khác ở Mỹ Latinh, theo một nghiên cứu chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hiệp hội Thép Mỹ Latinh (Alacero), và tổ chức Canacero của Mexico, khu vực này đang đối mặt với nguy cơ phi công nghiệp hóa ngày càng gia tăng, trong bối cảnh thép Trung Quốc tiếp tục tràn vào thị trường với mức giá thấp bất thường do được trợ cấp trực tiếp và gián tiếp.
Ngoài việc xuất khẩu thép với giá rẻ, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp thép tại ASEAN, góp phần bổ sung khoảng 10 triệu tấn công suất luyện thép trong 5 năm qua. Điều này càng gia tăng sức ép cạnh tranh lên các nhà sản xuất trong khu vực Mỹ Latinh.
Theo báo cáo, từ năm 2008 đến 2024, nhập khẩu thép cán và bán thành phẩm từ Trung Quốc vào Mỹ Latinh đã tăng 233%, trong khi các dòng cung gián tiếp từ Trung Quốc (qua bên thứ ba) tăng tới 338%. Riêng trong năm 2024, tỷ lệ thép nhập khẩu đã chiếm tới 39% tổng nhu cầu tiêu dùng của khu vực, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất nội địa.
Các tổ chức kêu gọi cần nhanh chóng xây dựng và thực thi các chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong khu vực, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và bảo vệ ngành thép bản địa khỏi những biến động do cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường toàn cầu.
Cập nhật giá thép trong nước
Trong nước, các doanh nghiệp bình ổn giá bán. Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 14.040đ/kg; thép CB300 báo giá 13.430đ/kg. Tương tự, ở doanh nghiệp thép Việt Đức, giá thép CB240 ở mức 13.750đ/kg; thép D10 CB300 ở mức 13.350đ/kg. Thép Việt Sing cũng giữ giá lần lượt ghi nhận 13.740đ và 13.530đ/kg.

Giá thép ghi nhận tới ngày 24/6/2025. Nguồn: SteelOnline
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết