Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép trong nước đang ở mức cao nhất từ năm 2009 - 2010 trở lại đây, hiện dao động ở mức 590 - 620 USD/tấn, trong khi tháng trước chỉ đạt 420 - 450 USD/tấn (chỉ thấp hơn đỉnh của năm 2008 là trên 700 USD/tấn). Đà tăng mạnh của giá thép khiến cổ phiếu các DN ngành thép cũng tăng mạnh trong một tuần trở lại đây.
Giá thép đang tăng kỷ lục trong vài năm trở lại đây (Ảnh: IT)
Cổ phiếu thép đồng loạt bứt phá
Dẫn “sóng” cổ phiếu ngành thép trong vài tuần trở lại đây là mã cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Theo ghi nhận, từ nửa cuối tháng 8 đến nay, cổ phiếu HPG đã tăng mạnh từ mức giá 33.000 đồng/CP lên vùng giá 36.000 - 37.000 đồng/CP và đến thời điểm hiện tại được giao dịch ở mức giá trên 38.000 đồng/CP. Nguyên nhân khiến cổ phiếu HPG tăng mạnh không chỉ bởi giá thép tăng lên trong thời gian gần đây mà bởi kết quả kinh doanh khá ấn tượng của DN này trong 8 tháng đầu năm 2017.
Cũng tăng mạnh trong vòng 1 tuần trở lại đây là mã cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Từ vùng giá 28.000 đồng/CP, HSG đã có 5 phiên tăng liên tiếp và đến thời điểm hiện tại đang ở mức giá 29.600 đồng/CP.
Theo các cam kết về thuế quan của các FTA mà Việt Nam đã ký kết, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở mức 0,69% - 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn...
Một loạt các mã cổ phiếu ngành thép khác như: NKG (thép Nam Kim), VIS (thép Việt Ý), TLH (thép Tiến Lên)... cũng có một tuần giao dịch khá sôi động. Chẳng hạn, cổ phiếu VIS đã có 5 phiên liên tiếp tăng giá, từ mức giá 22.500 đồng/CP đến thời điểm hiện tại đã lên lức 24.000 đồng/CP. Tương tự, mã cổ phiếu TLH cũng tăng mạnh từ vùng giá 12.000 đồng/CP lên mức giá hơn 13.000 đồng/CP. Hoặc, cổ phiếu NKG cũng tăng mạnh từ vùng giá 33.000 đồng/CP lên mức giá 34.800 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành thép liên tục tăng trong thời gian gần đây là do nhiều nguyên nhân như: Từ quý 2.2017, ngành thép thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi sản phẩm tôn mạ được áp thuế tự vệ chính thức; Việc cháy nhà máy rất lớn của Công ty Thép Steel Plates Bengang (Trung Quốc) đã đẩy giá thép toàn thế giới lên đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt, dự báo giá thép sẽ còn tăng cho đến đầu năm 2018 do nhu cầu xây dựng đang vào mùa...
“Giá thép trong một vài tuần tới có thể giảm nhưng không đáng kể, tuy nhiên khả năng tăng giá vẫn cao hơn bởi các công trình dân dụng trong nước vừa né tháng "cô hồn" nên từ nay đến tháng 4 năm sau, tiến độ xây dựng và thị trường bất động sản đang ‘nóng’ trở lại nên có thể hỗ trợ tốt cho cổ phiếu ngành thép”, đại diện SSI, nhận định.
Cơ hội nào cho cổ phiếu thép?
Thực tế, theo phân tích của nhiều công ty chứng khoán cùng với giới chuyên gia ngành thép, thị trường thép trong và ngoài nước đang có diễn biến thuận lợi, giúp các DN thép niêm yết dễ dàng hơn trong việc huy động vốn. Điều này được chứng minh khi mới đây, NKG vừa công bố danh sách 10 nhà đầu tư chiến lược tham gia chào mua 30 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, với mức giá tối thiểu 27.000 đồng/CP. Trong danh sách này, có các nhà đầu tư tổ chức lớn như: Quỹ VEIL do Dragon Capiatal quản lý (Dragon hiện là cổ đông lớn của NKG), Korea Investment Trust Management Company, Manulife Vietnam, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam...
Không chỉ NKG, các quỹ của Dragon Capiata mới đây cũng tiếp tục tăng sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) bằng việc mua thêm 400.000 cổ phiếu vào ngày 29.8, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 5%.
Đặc biệt, trong vài phiên giao dịch gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng cổ phiếu HPG nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng của DN này khi Dự án Dung Quất đi vào hoạt động. Đáng nói, HPG với mục tiêu huy động 5.000 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/CP, song kết quả chào bán của HPG khá thành công khi thị giá cổ phiếu ở mức 30.000 đồng/CP, chênh lệch lớn với giá phát hành.
“Ở những DN ngành thép, kỳ vọng về sự đột biến tăng trưởng là rất khó, nhưng khi DN đã ở vị thế lớn, khả năng đi vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định như HPG, NKG hay HSG thì cổ phiếu của các DN này lại rất phù hợp với nhà đầu tư lâu dài. Thực tế chứng minh, thống kê từ 2007 - 2016, tăng trưởng trung bình lợi nhuận HPG khoảng 29%, mức tăng tương đương Vinamilk. Hoặc các DN như NKG hay HSG trong 3 năm qua có tốc độ tăng trưởng trung bình cũng trên 50%, rất đáng để suy nghĩ đầu tư lầu dài”, một chuyên gia bình luận.
Tăng trưởng ngành thép giai đoạn 2017 - 2020 trung bình 12%/năm
Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ Công thương đã có quy hoạch tổng thể phát triển ngành thép đến năm 2035. Trước mắt năm 2020, để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản lượng thép sản xuất ước cần đạt 22 - 26 triệu tấn thành phẩm, 18 triệu tấn phôi và 8 triệu tấn gang. Trong năm 2017, sản lượng thép thành phẩm ước tăng trưởng 12% so với năm 2016.
Nguồn tin: Dân việt